Giáo viên Anh Văn Hồng Đức chia sẻ về phương pháp học anh văn
Đề thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi bao gồm cả phần trắc nghiệm lẫn tự luận. Nhiều teen gọi vui đó là “cặp đôi rắc rối” vì cả hai đều… khó chinh phục.
Khó nhưng không có nghĩa là không thể. Những lời khuyên từ cô Lê Thị Thu Thủy, giáo viên Anh văn trường THCS & THPT Hồng Đức (Q. Tân Phú) có thể giúp chinh phục “cặp đôi” này.
Xem lại bài test
Xem lại các bài test đã làm và đã được sửa trong các kỳ kiểm tra tại lớp là điều vô cùng cần thiết với các teen vốn gặp khó khăn khi học môn ngoại ngữ. Bởi các bài test là những kiến thức cơ bản nhất được thầy cô hệ thống lại, cả về từ vựng lẫn ngữ pháp. Luyện thường xuyên các bài test này không chỉ các bạn nắm vững kiến thức cơ bản, làm quen với các dạng đề mà còn nhận ra những lỗi mình thường gặp phải để sửa chữa. Điều đó cũng đảm bảo bạn sẽ “thân quen” hơn với hình thức đề thi “kiểu mới”.
Học từ vựng theo ngữ cảnh
Dù đề thi ra kiểu nào thì vốn từ vựng vẫn chủ yếu nằm trong sách giáo khoa nên để dễ ghi nhớ từ vựng, bạn cần phải nhớ ngữ cảnh của từ đó. Chẳng hạn, khi nhắc đến ngữ cảnh “các chủng loại bị đe dọa” thì ngay lập tức phải nhớ đến những từ vựng có liên quan, tương tự là ngữ cảnh “sự phá hủy môi trường sống. Một cách khác là nhớ “từ trong câu” hoặc gắn nó với các từ đồng nghĩa.
Chú ý ngữ pháp
Phần ngữ pháp chiếm số điểm tương đối lớn trong đề thi. Vì thế, bạn cần chú ý đến các dạng ngữ pháp cơ bản trong chương trình được tại trường như các dạng thì của động từ, sự phối hợp các thì, câu điều kiện, mệnh đề quan hệ, câu gián tiếp, cậu bị động, so sánh, so sánh kép…
Năm ngoái, có bạn khi được yêu cầu viết bài luận khoảng 180 từ đã “phóng tay” viết đến hai trang giấy thi. Kết quả là…bị trừ điểm vì để sai sót ở một số chỗ. Kinh nghiệm rút ra là đề yêu cầu viết bao nhiêu câu, bao nhiêu từ thì chỉ nên viết bấy nhiêu, tránh viết dài dòng, vừa mất thời gian, vừa dễ mắc lỗi sai. Chẳng hạn, đề thi yêu cầu viết đoạn văn khoảng 180 từ thì chỉ nên viết tối đa 200 từ thôi. Ngoài ra, teen nên viết câu ngắn, cấu trúc câu đơn giản (tối đa chỉ dùng hai mệnh đề); chú ý đến lỗi chính tả (số nhiều, số ít, dấu chấm, dấu phẩy…); nên dùng thì đơn giản (ví dụ, nếu viết chủ đề về nghề nghiệp tương lai thì dùng thì tương lai, hoặc viết về trải nghiệm thì dùng thì quá khứ, không nên kết hợp nhiều thì trong đoạn văn…)