Học sinh Hồng Đức cần biết ???
CHUẨN MỰC TƯ THẾ, PHONG CÁCH VÀ TÁC PHONG CỦA HỌC SINH HỒNG ĐỨC
- Tác phong của người học sinh biểu hiện trên gương mặt:
1.1 Gương mặt:
– Nên tươi tắn với nụ cười nở trên môi, phản ánh tâm hồn vui vẻ, lạc quan, dễ chịu với người đối diện, không nên ủ dột, buồn bã, nhăn nhó, cau có, khó chịu. Phong cách tích cực phản ánh con người tích cực.
– Dân gian có câu: “Trông mặt bắt hình dong”, người thành công luôn có gương mặt tươi vui, người thất bại gương mặt trông buồn bã…
1.2 Miệng:
– Miệng là điểm nhấn trên gương mặt, miệng để nói, cười, ăn uống, vậy chúng ta nên nói điều hay, điều chân thực, ăn sạch, uống sạch, nói điều lạc quan, tươi cười mang niềm vui đến với người khác.
– Không nên nói điều tục tĩu, chửi thề nói tục, làm mất đi vẻ đẹp con người. “chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Miệng nói lời sạch, ăn sạch, uống sạch, không ăn thức ăn vỉa hè không nguồn gốc, dễ sinh bệnh tật.
1.3 Đôi mắt:
– Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, phải nuôi dưỡng đôi mắt bằng việc chỉ nhìn, xem những điều tốt đẹp.
– Không nên xem những cái xấu, những điều xấu, vì chỉ nhìn thấy những cái xấu sẽ khiến cho con người mệt mỏi, chán chường.
1.4 Tai:
– Trời sinh ra tai để nghe, để thưởng thức âm thanh. Chỉ nên nghe điều hay, lẽ phải, sự thật.
– Không nên nghe chuyện xấu dung tục.
– Không nên nghe người khác nói xấu người thứ 3…
– Không nghe những tin đồn vô căn cứ, đầu độc nhiệt huyết của bản thân.
1.5 Đầu tóc:
– “cái răng, cái tóc là góc con người” nên để gọn gàng cắt ngắn. Nữ cột tóc, búi tóc gọn gàng.
– Không nên: Nhuộm xanh, đỏ, cắt kiểu dị hợm, khác người.
- Tác phong của người học sinh biểu hiện cử chỉ.
2.1 Đi:
– Dáng bước đi sải chân đều, nhìn thẳng
– Không nên đi lẹt xẹt, cúi gằm mặt, vấp váp, hậu đậu.
– Người thành công đi điềm tĩnh, nhanh nhẹn, kẻ thất bại đi ủ rũ, lẹt xẹt, thiếu sinh khí.
2.2 Đứng:
– Đứng thẳng, ngay ngắn, không chống nạnh, dựa dẫm, xiêu vẹo.
2.3 Nói:
– To, rõ ràng, nói đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ. Phải dùng kính ngữ với người lớn để thể hiện sự kính trọng.
– Tránh nói lí nhí, rề rà, dài dòng, vòng vo
– Tránh nói trống không, cộc cằn, thô lỗ.
2.4 Ngồi học:
– Tư thế giúp tiếp thu bài tập trung, đảm bảo sức khỏe để học có hiệu quả. Lưng thẳng, chân, tựa sát ghế, chân khép ngay ngắn.
– Tránh gác chân, khoanh tay, tựa ngửa, rung chân, hoặc nằm trườn, gục trên bàn.
“Quân tử chính trực ngồi vững như núi, tiểu nhân ngồi nghêng ngang rung đùi, đắc chí, ba hoa…”
2.5 Tay:
– Bản chất của việc con người có tay là để lao động, làm việc, làm những việc ý nghĩa, thuận đạo lý, làm điều có ích.
– Không nên làm những việc xấu, hại người lợi mình. Bàn tay phải kiểm soát không ăn cắp, ăn trộm đồ của bạn.
- Tác phong của người học sinh biểu hiện qua Trang phục:
3.1 Quần áo:
“Quen sợ dạ, lạ sợ áo”, trang phục bộc lộ tính cách. Giữ quần áo sạch sẽ, thơm tho, không mặc đồ quá cũ, nhăn nhúm, bẩn, nhàu nát. Không mặc quần áo ngắn cũn cỡn khi ra nơi công cộng.
3.2 Giày dép: Không đi dép lê khi lên lớp lúc chính khóa
3.3 Móng tay: cắt ngắn, giữ sạch sẽ vệ sinh. Nữ sinh không được sơn nhuộm, để dài.
- Tác phong của người học sinh biểu hiện qua Giao tiếp:
4.1 Chào hỏi:
– Con người lịch sự cần phải biết chào hỏi đúng mực. Là học sinh có giáo dục phải biết chào tất cả nhân viên, giáo viên, phụ huynh, người lớn tuổi hơn bất cứ ở đâu khi gặp mặt.
– Tránh chào tùy tiện theo thói quen, thiếu nghiêm túc.
4.2 Biết nói lời cảm ơn – xin lỗi.
– Thói quen xấu của người Việt là không sử dụng 2 từ này. Tuy nhiên cần biết sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng sự việc. Dám chịu trách nhiệm đến cùng khi mắc lỗi.
– Tránh Ngụy biện, đổ lỗi, tránh né trách nhiệm bản thân
– Hãy thừa nhận lỗi của mình, quyết tâm khắc phục không tiếp diễn, không ngụy biện, vòng vo, viện dẫn…
Lưu ý: Người thành công chỉ cần biết kết quả, không cần biết nguyên nhân.
4.3 Gặp hoàn cảnh khó xử lý, mâu thuẫn:
– Báo cáo ngay cho giáo viên quản nhiệm và lãnh đạo trường.
– Không nên ích kỉ bản thân, cư xử tùy tiện vô trách nhiệm, hành động bản năng thiếu kiểm soát làm ảnh hưởng đến người khác và gia đình, nhà trường.
4.4 Luôn đúng giờ:
– Luôn đến trước giờ học 10 phút, nên sử dụng đồng hồ đeo tay để quản lý thời gian
– Tránh đến trễ giờ, rồi đổ lỗi ngụy biện vì hoàn cảnh.
– Hãy đúng giờ để luôn luôn chủ động trước hoàn cảnh. Đúng giờ là tự trọng bản thân.
- Tác phong của người học sinh biểu hiện ở Ý thức:
5.1 Thái độ:
– Con người muốn trở thành ai, thành người như thế nào hãy nhìn vào thái độ. Thái độ quyết định hành động bản thân. Hãy luôn thể hiện mình khỏe mạnh, tích cực, nhanh nhẹn trong mọi hoàn cảnh. Luôn tỏ ra khiêm nhường khi cư xử với mọi người xung quanh, Bình tĩnh, biết làm chủ cảm xúc.
– Tránh thờ ơ, không quan tâm, thiếu cảm xúc.
– Tránh tự cho mình là giỏi giang, kiêu ngạo.
– Không nên tỏ ra rụt rè, sợ sệt.
5.2 Tinh thần:
– Mạnh mẽ, có lửa. Tránh uể oải, mệt mỏi.
5.3 Cá nhân:
– Học sinh cần có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh. Không xả rác bừa bãi làm ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí…
5.4 Cộng đồng:
– Bằng hành động cụ thể, hãy nói lời tế nhị nhắc nhở người xung quanh nâng cao ý thức môi trường, ngăn chặn hành động ô nhiễm môi trường tự nhiên.
– Tránh thờ ơ vô cảm, trước những hành động làm ô nhiễm môi trường xung quanh ta.
– Hành động của người dân Việt, nhà mình rất sạch mặc môi trường xung quanh dơ bẩn. Hãy thay đổi suy nghĩ lớn hơn, nhà mình đã sạch, xung quanh cũng phải sạch đó mới là lối sống văn minh, tích cực.
Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận. Hãy rèn luyện mỗi ngày một chút, tự hoàn thiện mình, thành công sẽ đến…